Sự ra đời của nhiều doanh nghiệp xã hội đặt ra yêu cầu sửa Luật Doanh nghiệp.
NDĐT – Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng nay, 26-11 với đa số phiếu tán thành đã thừa nhận doanh nghiệp xã hội, một hình thức doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, có ý kiến đề nghị bổ sung định nghĩa doanh nghiệp xã hội vào Điều 4 về Giải thích từ ngữ, bổ sung một Chương quy định về doanh nghiệp xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, DNXH không phải là một loại hình doanh nghiệp đặc thù riêng mà cũng giống như doanh nghiệp thông thường, DNXH vẫn tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… chỉ phân biệt ở mục đích phân phối và sử dụng lợi nhuận. Các tiêu chí xác định DNXH là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí; nội dung này gắn liền với quyền và nghĩa vụ của DNXH. Dự án Luật trình Quốc hội chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về DNXH để ghi nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của DNXH, làm cơ sở để ban hành các văn bản quy định chi tiết, sau quá trình hoạt động thực tiễn ổn định sẽ quy định cụ thể hơn trong Luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới trong khái niệm về DNXH.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin, dự án Luật trình Quốc hội đã bổ sung làm rõ hơn tại Điều 10 về tiêu chí của DNXH, cụ thể: DNXH là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với nông dân, nông thôn mới đáp ứng các tiêu chí trên đây là DNXH, sẽ được hưởng ưu đãi, khuyến khích theo quy định.
Có ý kiến đề nghị để tránh lợi dụng khi DNXH nhận được ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân thì cần bổ sung quy định chặt chẽ hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 10 như sau: “Trong trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hàng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp”.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về ưu đãi, khuyến khích để tạo cơ sở cho các luật khác như Luật đầu tư, Luật thuế… quy định cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu và bổ sung khoản 3 Điều 10 như sau: “Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.”
Một điểm mới trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi là doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua thảo luận nội dung này, một số đại biểu kiến đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.
Về người có thẩm quyền quản lý con dấu trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quản lý, sử dụng con dấu là quyền của doanh nghiệp, được quy định trong Điều lệ công ty. Theo đó, khoản 3 Điều 44 của Luật được chỉnh như sau: “Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.”
Một số đại biểu đề nghị bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, yêu cầu này đặt ra với tất cả các trường hợp sẽ làm tăng thêm thời gian thành lập doanh nghiệp tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ rất lớn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, sẽ có tác động không thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta.
Do vậy, Phiếu lý lịch tư pháp không phải là tài liệu bắt buộc trong Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có căn cứ kiểm soát một số trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, xin tiếp thu theo hướng bổ sung quy định: “Trong trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi có 10 chương, 213 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.